Lập hiến Lịch_sử_Thượng_viện_Hoa_Kỳ

Thượng viện Hoa Kỳ (tiếng Anh: United States Senate), được đặt theo tên của Thượng viện La Mã (tiếng Anh: Roman Senate, tiếng Latin: Senātus Rōmānus) cổ đại, được thành lập có chủ ý hơn so với Hạ viện Hoa Kỳ. Edmund Randolph cho rằng số thành viên của Thượng viện "ít hơn Hạ viện ... nên kiềm chế, nếu có thể, những bất đồng từ người dân." Theo James Madison, "Việc thành lập Thượng viện ngay từ đầu có sự hệ thống và khôn ngoan hơn Hạ viện." Thay vì các nhiệm kỳ hai năm như tại Hạ viện, các Thượng nghị sĩ phục vụ các nhiệm kỳ sáu năm, cho họ nhiều quyền hơn để một phần bỏ qua sự ủng hộ của dân chúng, do vậy các Thượng nghị sĩ phục vụ cho các lợi ích rộng lớn của đất nước. Số lượng thành viên ít hơn và nhiệm kỳ dài hơn cũng mang lại cho Thượng viện sự hòa đồng hơn về mặt đảng phái.

Bất chấp những bất bình trong quá khứ của họ với các chính quyền chuyên chế của Anh, một số Cha sáng lập Hoa Kỳ, những người tham dự Hội nghị Lập hiến, bày tỏ sự ngưỡng mộ lớn đối với chính quyền Anh Quốc. Alexander Hamilton cho rằng chính quyền này là chính quyền "tốt nhất trên thế giới," và nói rằng ông "nghi ngờ liệu bất cứ điều gì sẽ làm được nếu thiếu nó ở Hoa Kỳ." Trong bài phát biểu Bảo vệ Hiến pháp Chính phủ Hoa Kỳ, John Adams đã tuyên bố "về lý thuyết, Hiến pháp Anh đã điều chỉnh sự cân bằng và ngăn chặn sự lay động về chính trị, là hệ thống tuyệt vời nhất mà con người từng phát minh." Nói chung, họ coi Thượng viện là một phiên bản tại Hoa Kỳ của Viện Quý tộc Anh Quốc.[2] John Dickinson nói rằng Thượng viện "gồm những nhân vật nổi bật nhất, được phân chia qua cấp bậc và số lượng tài sản của họ, mang những nét giống với Viện Quý tộc Anh."[3] Do số Thượng nghị sĩ của mỗi bang luôn là 2 nên ở Thượng viện, các bang có ít dân có vị trí ngang hàng với các bang đông dân, vốn được trao nhiều Dân biểu hơn trong Hạ viện.

Kế hoạch phân bổ thành viên Thượng viện đã gây tranh cãi tại Hội nghị Lập hiến. Hamilton, người phản đối sự bình đẳng về số lượng thành viên tại mỗi bang của Madison, cho rằng quyền đại diện bình đẳng bất chấp dân số của mỗi bang khác nhau "gây chấn động quá nhiều đến các ý tưởng về công lý và mọi cảm giác của con người." [4] Madison sau đó phản đối, và kêu gọi Hội nghị "từ bỏ một nguyên tắc đã luôn là bất công."

Nếu các đại biểu tham dự Hội nghị có một lá phiếu thì đa số Hội nghị đã có thể chuẩn thuận quan điểm của Hamilton, vì số đại biểu tại mỗi bang được cử theo tỷ lệ dân số mà các bang đông dân lại ủng hộ quan điểm này, nhưng tại Hội nghị Lập hiến, mỗi bang dù dân số có đông bao nhiêu thì chỉ có một phiếu bầu ngang nhau và bất kỳ vấn đề nào cũng cần đa số bang ủng hộ. Các phái đoàn đại diện cho các bang ban đầu dự định bỏ phiếu 6–5, ủng hộ Thượng nghị sĩ nên đại diện theo tỷ lệ dân số, nhưng các bang ít dân hơn, vốn không có tiếng nói về các vùng đất phía tây, đã đảo ngược lá phiếu và đồng ý rằng mỗi bang có số Thượng nghị sĩ bằng nhau. Trong phiên bỏ phiếu cuối cùng, năm bang ủng hộ tỷ lệ bình đẳng trong Thượng viện (gồm Connecticut, Bắc Carolina, Maryland, New JerseyDelaware) có số dân chỉ bằng một phần ba dân số toàn quốc. Bốn bang đã bỏ phiếu chống lại nó (gồm Virginia, Pennsylvania, Nam CarolinaGeorgia) có số dân gần gấp đôi số dân 5 bang ủng hộ. Đại biểu Hội nghị James Wilson đã viết "Nếu mỗi đại biểu có một lá phiếu, sẽ có 2/3 phản đối bình đẳng và chỉ 1/3 ủng hộ nó".[5] Một lý do khác khiến các bang đông dân chấp nhận Thỏa hiệp Connecticut là do lo sợ rằng các bang ít dân sẽ từ chối gia nhập Liên bang, hoặc, như Gunning Bedford Jr. của Delaware từng đe dọa, "những bang ít dân sẽ tìm thấy các đồng minh danh dự từ nước ngoài, nắm lấy tay họ và thực thi công lý".[6] Trong bài báo Liên bang số 62, James Madison, "Cha đẻ của Hiến pháp", cũng đã công khai thừa nhận rằng quyền bình đẳng về thành viên trong Thượng viện là một thỏa hiệp và không xuất phát từ bất kỳ lý thuyết chính trị nào.

Ngay cả khi Gunning Bedford Jr của Delaware thừa nhận rằng ông chỉ ủng hộ quyền đại diện bình đẳng vì điều đó nâng cao lợi ích của quốc gia. "Liệu các bang ít dân sẽ hành động như thế nào nếu họ không được quan tâm do ít tiếng nói? Chúng ta có cần thiết phải hành động với sự trong sạch cao hơn phần còn lại của nhân loại không?"[7]

Khi vấn đề đại diện bình đẳng đã được giải quyết, các đại biểu đã đề cập đến quy mô của cơ quan: mỗi bang sẽ có bao nhiêu Thượng nghị sĩ? Việc trao cho mỗi bang một Thượng nghị sĩ được coi là không đủ, vì nó sẽ gây khó khăn hơn trong việc triệu tập đủ túc số (túc số có thể hiếu đơn giản là số lượng Thượng nghị sĩ có mặt cần thiết để khởi động một cuộc bỏ phiếu). Một đề xuất từ các đại biểu Pennsylvania, cho rằng mỗi bang nên có ba Thượng nghị sĩ, đã được thảo luận, nhưng quy mô lớn như vậy được coi là một sự bất lợi. Khi các đại biểu đề xuất hai Thượng nghị sĩ cho mỗi bang, tất cả đại biểu đều ủng hộ con số này.[8]

Kể từ năm 1789, sự khác biệt về dân số giữa các bang ngày càng rõ rệt. Vào thời điểm Thỏa hiệp Connecticut, tiểu bang đông dân nhất, Virginia, chỉ có dân số gấp 12 lần tiểu bang ít dân nhất, Delaware. Ngày này, tiểu bang đông dân nhất, California, có dân số gấp 70 lần dân số của tiểu bang ít dân nhất, Wyoming. Vào năm 1790, theo lý thuyết, cần 30% dân số ủng hộ để một đảng nắm thế đa số Thượng viện, ngày nay tỷ lệ này chỉ còn 17%.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_Thượng_viện_Hoa_Kỳ http://uspolitics.about.com/od/usgovernment/l/bl_p... http://bioguide.congress.gov/scripts/biodisplay.pl... http://hdl.loc.gov/loc.uscongress/legislation.100h... http://hdl.loc.gov/loc.uscongress/legislation.108h... //www.worldcat.org/oclc/173005222 //www.worldcat.org/oclc/18442225/editions //www.worldcat.org/oclc/246187030/editions //www.worldcat.org/oclc/256528124/editions //www.worldcat.org/oclc/34512820 //www.worldcat.org/oclc/772374229/editions